Nội dung bài viết
Đây là một phần rất quan trọng trong danh sách các bài viết tìm hiểu về Wordpress, bài viết hướng dẫn cấu hình Wordpress hoàn chỉnh trước khi các bạn bắt đầu đăng bài viết và là bài viết cuối cùng trong Series 3 phần để tạo ra một website Wordpress hoàn chỉnh bao gồm:
- Bước 1: Mua hosting và tên miền cho blog wordpress của bạn.
- Bước 2: Hướng dẫn tạo website bằng Wordpress.
- Bước 3: Cấu hình hoàn chỉnh website Wordpress. (Bài viết này ở bước này)
Bài viết gồm 3 phần:
Phần 1: Cấu hình Wordpress cơ bản
1. Xóa bài viết và các trang mặc định
Khi tạo xong website bằng Wordpress, sẽ có một vài thứ được tạo ra mặc định, bạn cần xóa chúng đi bao gồm bài viết mặc định, trang mặc định và các bình luận mặc định.
Mục đích tạo ra chúng là để hướng dẫn bạn và kiểm tra xem website mặc định khi chưa thiết lập có gặp lỗi gì không.
Sau khi đăng nhập vào quản lý Wordpress bạn vào phần Bài viết -> Chào thế giới và Trang->Trang mặc định để xóa bài viết và trang đó đi.

2. Thiết lập đường dẫn
Đường đẫn của mỗi trang hay bài viết ảnh hưởng trực tiếp và rất quan trọng đến Seo, do vậy bạn nên để chú ý thiết lập phần này cho đúng. Sau khi thiết lập xong, bài viết đã đươc Google Index thì tuyệt đối bạn không được thay đổi phần này, có sẽ làm bạn tụt hạng thảm hại trên Google đồng thời tạo ra các trang 404.
Để cài đặt đường dẫn bấm vào Cài đặt->Đường dẫn tĩnh.

Bạn đầu Wordpress sẽ thiết lập đường dẫn có dạng là tenmien.com/?p=123. Đây tuy là một tên miền ngắn nhưng nó lại không thân thiện với công cụ tìm kiếm. Nếu bạn đã từng đọc qua các bài viết về Seo thì bạn sẽ hiểu được vấn đề này. Còn nếu chưa có chút kiến thức gì về Seo thì trước mắt cứ thiết lập như trong ảnh trên nhé.
3. Cài đặt tổng quan
Để thiết lập phần này bạn vào Cài đặt->Tổng quan

Thay đổi lại Khẩu hiệu, đây là một câu dạng slogan của website, bạn nghĩ ra một đoạn gì đó ngắn nhưng mô tả tốt nhất về website rồi điền vào, không nên để mặc định nhé.
Phần thành viên: bỏ tích ở ô “Ai cũng có thể đăng ký” nếu nó đã được tích để tránh người khác tìm cách đăng nhập vào website của bạn.
Chỉnh múi giờ, chỗ này nên chỉnh đúng với múi giờ nới website của bạn hướng tới người dùng ở đó. Nếu ở Việt Nam thì thiết lập múi giờ là Ho Chi Minh hoặc UTC+7 nhé.
4. Thiết lập danh sách ping
Tiếp theo trong việc cấu hình wordpress là thiết lập danh sách ping, trước hết các bạn vào Cài đặt->Đọc và kiểm tra cho mình phần ở dưới đây:

Nếu phần trong ảnh trên đang được tích tức bạn bạn đang ngăn Google Index website của bạn, cũng như ngăn tất cả các thứ trên mạng nhận diện website của bạn, cho nên bạn cần bỏ tích ở ô này đi.
Để thiết lập danh sách ping bạn vào Cài đặt->Viết. Mặc định cấu hình Wordpress chỉ Ping một dịch vụ duy nhất.

Các bạn bấm vào Các dịch vụ cập nhật ở mũi tên mình chỉ trong hình, sao chép tất cả các đường link trong danh sách đấy rồi dán vào danh sách trong ảnh và lưu lại là xong.
5. Thiết lập bình luận
Để thiết lập phần này bạn vào Cài đặt->Thảo luận.

Hình ảnh bên trên bao gồm những thiết lập mặc định mà ban đầu Wordpress đặt sẵn cho bạn. Mình không nói chi tiết đến từng mục làm gì cả, vì không cần thiết. Mỗi website bạn cũng chỉ cần thiết lập một lần rồi không cần quan tâm đến nó nữa nên mình nghĩ không cần lan man ở đây.
Bạn chỉ cần tích thêm vào các ô dưới đây cho mình:
- Gửi thông báo tới bất kỳ trang nhật ký trực tuyến nào được bài viết này liên kết tới.
- Hiện cookie bình luận trong mục nhập đánh dấu.
- Nhận xét phải chờ được kiểm duyệt.
Vậy là đủ, các thứ khác cứ để nguyên mặc định.
Phần 2: Cài đặt Theme Wordpress
Theme Wordpress là giao diện của website Wordpress, mỗi Theme có một giao diện và cách cấu hình chuyên sâu khác nhau. Trong bài viết này mình chỉ giới thiệu cách để bạn tải lên một Theme Wordpress và kích hoạt nó trên website của bạn.
Wordpress sở hữu một kho Theme miễn phí khá đồ sộ, nếu bạn là người mới thì mình nghĩ bạn nên sử dụng các Theme này để học cách cấu hình website cho thành thạo.
Khi đã thành thạo rồi và nghĩ đến việc thiết lập một blog tốt, bạn nên dùng một Theme Wordpress Premium, vì nói công bằng thì những Theme miễn phí thường có giao diện khá xấu.
Để cài đặt Theme bạn vào Giao diện->Thêm mới.

Tiếp theo chọn Theme mà các bạn muốn cài đặt. Nhìn vào ảnh bên dưới nhé.

Mỗi Theme sẽ có nút xem thử và cài đặt, trước khi muốn cài đặt bạn nên bấm vào xem thử trước để xem website của mình sẽ như nào khi cài đặt, khi đã ưng rồi mới bấm vào cài đặt. Đối với những Theme trả phí bạn cần tải theme lên bằng cách bấm vào Tải giao diện lên để cài đặt.
Sau khi cài đặt xong nhớ bấm vào kích hoạt để kích hoạt Theme nhé. Vậy là hoàn thành rồi.
Nếu khó khăn trong việc cài đặt bạn có thể mua Manchester Theme do mình phát triển để được hỗ trợ cài đặt từ a đến z nhé.
Phần 3: Cài đặt Plugin Wordpress
Plugin là phần mở rộng của website, giúp website có thêm các tính năng để hoàn thiện. Theo như kinh nghiệm của mình thì không có bất kỳ một website nào đang sử dụng Wordpress mà lại không cài đặt bất kỳ một Plugin nào cả.
Đừng hiểu nhầm, không có plugin Wordpress nào thì website cũng đều hoạt động tốt thôi, mình nói vậy là để bạn hiểu được tầm quan trọng của plugin, tuy nhiên cái gì cũng có 2 mặt của nó.
Bạn nên kiểm soát plugin mà mình sử dụng về chất lượng cũng như số lượng, tránh website bị ảnh hưởng bởi những plugin không tốt. Chính vì thế nó rất quan trọng trong việc cấu hình Wordpress.
Trong bài viết này mình sẻ chia sẻ cách cài đặt và kích hoạt một plugin bất kỳ, mình không hướng dẫn cách cấu hình một plugin chi tiết nào cả. Cũng giống như Theme thì mỗi plugin đề có một cách cấu hình khác nhau.
Để cài đặt Plugin bạn vào Plugin->Cài mới

Gõ vào phần tìm kiếm tên plugin bạn muốn cài đặt,ví dụ trong hình, mình muốn tìm plugin Seo. Nếu bạn đã biết về plugin nào đó thì bạn có thể bấm vào Cài đặt ngay lập tức. Tuy nhiên nếu bạn chưa biết đó là Plugin nào thì nên nhìn số lượng tải và đánh giá về plugin đó.
Sau khi cài đặt thì đừng quên bấm Kích hoạt plugin nhé.

Để quản lý tất cả các plugin đã được cài đặt bạn vào phần Plugin->Plugin đã cài đặt. Ở đó bạn có thể xóa hoặc đến trang thiết lập chi tiết cho mỗi plugin.

Khi hoàn thiện tất cả các bước trên, bạn có thể tiến hành đăng bài được rồi. Bài viết hướng dẫn cấu hình Wordpress ở mức cơ bản và thiết yếu, mình đã cố gắng viết đơn giản nhất có thể. Nếu gặp khó trong quá trình cấu hình Wordpress, hãy để lại ý kiến của bạn bên dưới bài viết nhé.
Và đừng quên chia sẻ bài viết đến bạn bè của bạn.